Làng Nghề Đúc Đồng Mỹ Đồng – Sống Chung Với Ô Nhiễm

UBND xã Mỹ Đồng cũng đã có những biện pháp giải quyết nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường này như dự án làng nghề tập trung giai đoạn 1 được triển khai xây dựng với quy mô 5,4 ha. Nhưng sau 5 năm hoàn thành và đưa  vào sử dụng, vấn đề môi trường nơi đây vẫn ở trong tình trạng “sống chung với lũ”.

Khói quanh làng
Hiện nay trên địa bàn xã Mỹ Đồng- Thủy Nguyên- Hải Phòng có 102 đơn vị sản xuất kinh doanh đúc, cơ khí trong đó có 56 Cty, 39 DN và 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Môi trường ở khu vực này bị ô nhiễm nặng nề, mà chủ yếu là ô nhiễm môi trường không khí. Ô nhiễm môi trường không khí tại làng nghề có nguồn gốc chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp), sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2…, chất hữu cơ bay hơi. Ngoài ra, quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi a-xít, kiềm, ô-xít kim loại và ô nhiễm nhiệt. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương vượt quá quy chuẩn VN từ 3-8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần. Hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng, chất thải rắn chưa thu gom và xử lý triệt để mà được đổ trực tiếp ra đường gây mất mỹ quan, về lâu về dài ô nhiễm nguồn nước và đất là điều không thể tránh khỏi.Ông Bùi Văn Thanh- CT Hiệp hội đúc đồng Mỹ Đồng cho biết: “Hơn 80% DN sản xuất trong khu dân cư, mà đặc thù của làng nghề đúc đồng là tiếng ồn và khói bụi, rất có hại cho sức khỏe con người”.
Đặc thù hoạt động sản xuất ở làng nghề là quy mô sản xuất gia đình, vốn đầu tư cơ sở sản xuất làng nghề quá thấp. Thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, lạc hậu, khó có điều kiện đổi mới phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Cần một qui hoạch cụ thể
Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng- Thủy Nguyên – Hải Phòng, dự án làng nghề tập trung giai đoạn 1 được triển khai xây dựng với quy mô 5,4 ha. Nhưng sau 5 năm hoàn thành và đưa  vào sử dụng, vấn đề môi trường ở làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng vẫn chưa có sự thay đổi nhiều. Tại sao dự án làng nghề tập trung chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường?. Theo kết quả kiểm tra của sở TNMT Hải Phòng, các cơ sở sản xuất của làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng sử dụng trang thiết bị lạc hậu, nhiện liệu chính là than đá trong khi đó hầu hết không lắp đặt thiết bị xử lý không khí triệt để. Đồng thời, dự án làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải từ sản xuất gây được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Ông Lê Văn Qúy- PCT UBND xã Mỹ Đồng cho biết: “Hiện nay, đã có 24 DN ra khu làng nghề tập trung giai đoạn 1 (chiếm 1/3 số hộ sản xuất kinh doanh). Còn các hộ kinh doanh nằm xen kẽ trong khu dân cư có đăng kí để ra khu làng nghề tập trung rồi nhưng chưa được phê duyệt”.
UBND xã Mỹ Đồng cũng có báo cáo gửi lên chính quyền các cấp để nghiên cứu, giải quyết về đề nghị sớm cho các DN kinh doanh tách khỏi khu dân cư vào khu làng tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, cái khó của DN là mặt bằng, vốn đầu tư sản xuất, không phải DN nào cũng đủ sức để đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại về sản xuất. Các DN trên địa bàn cũng cho rằng cần có sự hỗ trợ cần thiết để các DN đầu tư trang thiết bị thay thế phương pháp sản xuất thủ công hiện nay và mông muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để di chuyển làng nghề ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu dân sinh. Vấn đề này cần phải thực hiện nhanh chóng để các DN yên tâm sản xuất, không phải chịu sức ép từ phía người dân.
Được biết, đề án làng nghề giai đoạn 2 đã được UBND huyện, thành phố quy hoạch trên sơ đồ 17ha tại khu đồng Tàu Giữa liền kề với khu làng nghề cũ. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp hỗ trợ các hộ sản xuất tại làng nghề tập trung chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường thì việc xây dựng các dự án làng nghề chỉ là di chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ địa điểm này đến địa diểm khác mà không hề phát huy được tác dụng. Như vậy, hiệu quả của việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Mỹ Đồng vẫn khiến không ít người băn khoăn.
Thực tế, không ai muốn ra khỏi khu dân cư bằng chính DN vì không chỉ riêng người dân phải hứng chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường mà ngay bản thân DN, người lao động cũng hàng ngày phải sống chung với nó nhưng “nghề đi với nghiệp”. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng ô nhiễm thì chỉ xây dựng làng nghề tập trung là chưa đủ, cùng với việc quy hoạch cơ sở sản xuất cũng cần phải quan tâm hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *