Nghe cụ Soái kể lại chuyện xưa, chuyện đúc gang, đúc đồng của ông cha, tôi thực sự xúc động. Hình ảnh người phó rào với đôi quang gánh trên vai, đi hết chợ phiên này sang chợ phiên khác, bỗng chốc biến thành một thợ đúc gang, đúc đồng nổi tiếng để rồi hình thành cả một làng nghề đúc to lớn nhất Việt nam với biết bao sản phẩm…
Mỗi lần lên Thủ Đô Hà Nội, tôi đều đến chiêm ngưỡng tượng đài anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn – Hà Nội. Đài cao 7,2 m, được xây dựng và lắp ghép bằng những phiến đồng. Tổng khối lượng đồng đúc lên đến 32 tấn. Đài cao sừng sững nhìn về phía quảng trường Ba Đình lịch sử, gợi niềm tự hào chiến thắng về những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh, tiền thân của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Đó là cụ Nguyễn Văn Soái. Cụ năm nay tám mốt tuổi. Tuy đã già nhưng cụ còn rất nhanh nhẹn, trí nhớ tốt, đặc biệt giọng nói của cụ rất rõ ràng, mạch lạc, cuốn hút người nghe. Cho đến bây giờ, tình yêu nghề của cụ như còn cháy hừng hực.Tháng bảy năm nay, tôi tìm về làng nghề đúc Phương Mỹ xã Mĩ Đồng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi có những người thợ giúp sức, giúp tài để đúc nên tượng đài này.
Cụ kể lại, cách đây 17 năm, một buổi sáng đẹp trời, bỗng nhiên nhà cụ có khách – đó là đoàn cán bộ của Viện luyện kim màu Việt Nam tìm người đúc đồng cho công trình làm tượng dài anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn – Hà Nội. Họ đã mời đến sáu cơ sở đúc đồng nhưng không thành công. Anh cán bộ đưa cho cụ Soái xem bản vẽ và mẫu thiết kế thu nhỏ. Đó là công việc phải đúc những mảnh đồng có chiều dài lớn nhất là 2,2m, chiều rộng đến 0,5 m. Sau khi nghe anh cán bộ trình bày xong, cụ bảo: Sẽ đúc được nếu như đổ ngược.
– Đúc ngược là đúc thế nào ạ?
Có gì đâu.Tấm đồng dài đến hơn hai mét, họ làm một lỗ rót đồng thì làm sao đồng vào cho được. Chảy đến nửa chừng đã đông cứng lại rồi còn đâu. Này nhé: Mỗi tấm tôi làm hai lỗ để rót nước đồng. Một lỗ ở giữa, một lỗ ở trên cùng. Khuôn đặt nghiêng 25 độ. Đầu tiên rót vào lỗ giữa. Gần đầy thì chuẩn bị đổ lỗ trên. Khi đồng chảy gần đầy phần khuôn dưới thì bắt đầu rót vào khuôn trên bịt lỗ khuôn dưới lại.
Cát làm khuôn bình thường thì không được đâu. Tôi dùng than đã qua lửa, nghiền thành bột, trộn với cát cho nó thoát khí, nước đồng đổ vào phải êm re mới được chứ. Còn sôi sùng sục là hỏng bét.
Cụ Soái cùng mấy người thợ cật lực đổ mồ hôi vài tháng mới đúc xong 32 tấn đồng ấy .
Ngày khánh thành, tác giả họa sỹ Lê Hiệp ôm chặt người thợ đúc già, xúc động: Cảm ơn bác đã giúp chúng cháu cho tác phẩm ra đời. Mọi người chúc tụng sự thành công trong niềm vui vô hạn.
Cụ Soái chậm rãi kể: Phương Mỹ là một làng nhỏ của xã Mĩ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, nằm bên cạnh đường 352. Từ xa xưa, người nông dân Phương Mỹ đã có đầu óc cơ khí, thích sáng tạo kĩ thuật.Người thợ đúc gang đầu tiên ở làng
Lúc đầu làng chưa có nghề đúc mà chỉ có nghề rèn. Nghe các cụ kể lại rằng: Ba cha con cụ Đào phúc Ngư nhà tận Nam Định, gánh đồ nghề rèn đến vùng sông Moi (xã An Hồng, huyện An Dương bây giờ) ngụ cư, làm nghề và sinh sống ở đó. Người con thứ là Đào Văn Đích sang làng Phương Mỹ làm rèn, lấy vợ và ở luôn lại đó. ô ng truyền nghề cho thanh niên trong làng và nghề rèn Phương Mỹ có từ ngày ấy.
Trong số những thợ rèn giỏi có tiếng trong làng có cụ Nguyễn Văn Cáu. Cụ Cáu có dáng người cao to, nhanh nhẹn, tháo vát. Khi đã thành búa trong, cụ Cáu cùng với anh phó búa ngoài gồng gánh đồ nghề đi tới các chợ phiên để làm rèn kiếm ăn. Lúc ấy chủ yếu là đánh con dao, cái liềm, cái cuốc… phục vụ nhà nông. Một hôm, ở chợ Yên Trì, Phó Cáu nhìn thấy anh thợ người Hoa Kiều nối lưỡi cày gang. Thấy mới lạ, anh ra xem họ làm như thế nào. Anh quan sát thấy: Lưỡi cày bị mòn quá, người ta đem nối lại.
Phương pháp nối là đắp một khuôn đất vào mũi cày đến qua phần lỗ rỗng phía sau một chút. Lấy khuôn ra phơi khô. Họ dùng búa đập gãy nốt phần mũi cày đã mòn đi rồi lắp khuôn vào, dựng mũi cày theo chiều cắm mũi xuống đất rồi đổ nước gang vào cái lỗ phía sau lưỡi cày ấy. Lưỡi cày được nối theo kiểu này rất chắc chắn mà giá lại rẻ hơn so với mua lưỡi cày mới.
Học được nối mũi cày, phó Cáu về nhà mở lò nối lưỡi cày rồi đem bán. Lưỡi cày hỏng được chè chai, đồng nát nhặt nhạnh, mua đổi từ khắp các nơi đem về tha hồ nối. Chính việc nối mũi cày đã mở đầu cho nghề đúc của cụ.
Ngày ấy mũi cày nhập từ Trung Quốc về, trong khi mũi cày gang hỏng rất nhiều, cụ Cáu và một số thợ rèn bèn bàn nhau đúc lưỡi cày gang mới theo mẫu của Trung Quốc. Cụ Hậu Khì, Cụ Thiết, Cụ Thiếp mở lò nấu đúc thử song không thành. Sản phẩm làm ra sứt mẻ, bục, thủng, không dùng được. Họ Không tìm được nguyên nhân của sự thất bại ấy. Cụ Cáu mày mò, suy nghĩ mãi, cuối cùng dựa vào kinh nghiệm nâú gang nối lưỡi cày, cụ đã tìm ra nguyên nhân thất bại.
Nó là thế này: Nước gang không lỏng là do bễ không cung cấp đủ gió, than không đủ nhiệt. Khi rót gang, nước gang sôi sùng sục là do khuôn không thoát khí. Do đó sản phẩm thiếu gang, bị bục, thủng. Để khắc phục, cụ đã dùng rơm băm, trộn với trấu, giã với đất sét cho nhuyễn để làm khuôn đúc. Khi rót nước gang vào, trấu và rơm sẽ cháy, tạo ra lỗ hổng cho khí thoát ra ngoài để nước gang chảy vào khuôn.
Với sự cải tiến ấy, cụ Cáu đã thành công trong nghề đúc gang và làng Phương Mỹ có Nghề đúc gang từ thời kì ấy.
Đến đời thứ hai, con trai cụ Cáu là cụ Kiểu, nối nghề cha, cụ Kiểu cũng là một tay thợ tài hoa trong nghề đúc làng Phương Mỹ.
Đến Tây cũng phải nể
Chuyện kể rằng: Khoảng năm 1926, Một chủ người Pháp ở Hải Phòng đóng một con tàu hút bùn (Người ta gọi là tàu cuốc). Các chi tiết đã đầy đủ, chỉ có thiếu một quả đối trọng, hình khum khum như con rùa nên người ta gọi là con rùa đối trọng. Con rùa này có khối lượng 1,1 tấn. Chủ người Tây đã nhờ xưởng Ca – rông trong thành Phố đúc song xưởng không dám nhận vì cho rằng không có lò nào nấu được 1,1 tấn gang cả.
Chủ Tây bí quá. Về Pháp thì xa xôi, không kinh tế. Họ nghe đồn ở làng Phương Mỹ có thợ giỏi bèn tìm đến nhà cụ Kiểu. Sau khi nghe họ nói yêu cầu, cụ Kiểu nhận lời và kí hợp đồng đúc con rùa ấy. Tây về, cụ cho mời 24 thợ đúc trong làng đến bàn bạc cách làm con rùa đối trọng này. Phương án các cụ đưa ra là: Mỗi mẻ gang của một lò là 50 kg. Cứ 50 kg đúc thành một thỏi theo kích thước thiết kế.
Tổng số thỏi gang là 16 thỏi bằng 800 kg. Các thỏi này xếp chồng lên nhau thành một khối. Cuối cùng đặt khuôn đổ nốt 300 kg gang của 6 lò nữa bọc bên ngoài là xong. Cứ ba bễ thổi cho một lò, số bễ huy động là 24 cái. Ngày ấy bễ chỉ là một cây gỗ dài hai mét, khoét rỗng ruột làm xi lanh. Còn pít – tông thì quấn bằng vỏ con nhộng tằm để tạo gió. Ngày đúc con rùa đúng là một ngày hội của phường đúc Phương Mỹ.
Quả đối trọng tàu cuốc được đúc thành công trước sự ngạc nhiên của mọi người. Viên chánh sứ tỉnh Kiến An đã về thăm và tặng phường đúc bằng khen. Vua Bảo Đại nghe tin, gửi cho làng một cuốn sách kĩ thuật đúc gang của Pháp xuất bản.
Nghe cụ Soái kể lại chuyện xưa, chuyện đúc gang, đúc đồng của ông cha, tôi thực sự xúc động. Hình ảnh người phó rào với đôi quang gánh trên vai, đi hết chợ phiên này sang chợ phiên khác, bỗng chốc biến thành một thợ đúc gang, đúc đồng nổi tiếng để rồi hình thành cả một làng nghề đúc to lớn nhất Việt nam với biết bao sản phẩm từ cái nhỏ nhất là chiếc kiềng ba chân đến cái bếp ga công nghiệp, từ cái bu- li gang nhỏ bằng cái bát ăn cơm đến cái chân vịt tàu thuỷ, những sản phẩm máy móc và dân dụng… có mặt trên thị trường trong nước và thế giới.
Làng nghề Phương Mỹ đang vào Hạ. Tiếng bễ thổi gió vù vù, tiếng ngọn lửa hừng hực, tiếng máy phay, máy gọt vo vo hoà thành âm thanh đầy sức sống của một làng đúc trù phú.